Sự nghiệp John_Lasseter

Những năm đầu tại Disney

Sau khi tốt nghiệp vào năm 1979, Lasseter ngay lập tức được nhận vào vị trí họa sĩ hoạt hình tại Walt Disney Feature Animation nhờ thành công của ông với Lady and the Lamp.[16] Vào giai đoạn cuối những năm 1970, xưởng phim Disney đã xem xét 10000 hồ sơ để tìm kiếm tài năng, lựa chọn khoảng 150 ứng viên để học nghề, và chỉ 45 người trong số đó được giữ lại lâu dài.[16] Mùa thu năm 1979, họa sĩ hoạt hình của Disney Mel Shaw nói với tờ Los Angeles Times rằng "John có bản năng cảm nhận về nhân vật và sự vận động, cho thấy dấu hiệu rằng có thể nở rộ tài năng tại xưởng phim của chúng tôi... Theo thời gian, anh ấy sẽ có những đóng góp đáng kể"."[16]

Mặc dù vậy, Lasseter sớm nhận ra có gì đó đang bị thiếu: sau khi phát hành Một trăm linh một chú chó đốm, bộ phim mà theo ông là Disney đã đạt tới giới hạn của mình, xưởng phim đã mất đi động lực và bị chỉ trích về việc liên tục lập lại chính mình mà không có ý tưởng hay sự đột phá mới nào.[17][18] Giữa năm 1980 và 1981, ông tình cờ xem một số đoạn băng về công nghệ đồ họa máy tính, một lĩnh vực mới nổi và ông cảm thấy sự liên quan.[8] Nhưng phải đến một thời gian ngắn sau đó, khi ông được những người bạn là Jerry Rees và Bill Kroyer, đang thực hiện bộ phim Mickey's Christmas Carol, mời đến thăm và quan sát trường đoạn bánh xe ánh sáng đầu tiên trong bộ phim sắp ra mắt tên là Tron, sử dụng công nghệ tiên tiến đồ họa vi tính, Lasseter mới thực sự nhìn thấy tiềm năng to lớn của công nghệ này trong lĩnh vực hoạt hình. Vào thời điểm đó, xưởng phim sử dụng máy quay nhiều lớp để tạo độ sâu cho các phim của mình. Lasseter nhận thấy máy tính có thể được sử dụng để làm phim với khung cảnh 3 chiều nơi những nhân vật hoạt hình truyền thống có thể tương tác để tạo ra những hình ảnh có chiều sâu tuyệt đẹp không thể được tạo ra trước đó. Ông biết rằng việc thêm chiều sâu cho hoạt hình là giấc mơ từ lâu của các họa sĩ hoạt hình, kể cả Walt Disney.[8]

Sau đó, Lasseter và Glen Keane nói chuyện về việc sẽ tuyệt vời như thể nào nếu làm một bộ phim hoạt hình dài với phần nền là đồ họa máy tính và đưa cho Keane cuốn sách The Brave Little Toaster của Thomas Disch, cuốn sách mà ông nghĩ sẽ là đề xuất tốt cho bộ phim. Keane đồng ý, nhưng đầu tiên họ quyết định sẽ làm một bộ phim thử nghiệm để xem ý tưởng này có khả thi không, và lựa chọn Where the Wild Things Are, dựa trên thực tể là Disney đang xem xét sản xuất một bộ phim hoạt hình dài từ những tác phẩm của Maurice Sendak. Hài lòng với kết quả, Lasseter, Keane và giám đốc sản xuất Thomas L. Wilhite tiếp tục với kế hoạch, đặc biệt là Lasseter đã dành toàn bộ công sức cho dự án, trong khi Keane cuối cùng lại chuyển sang thực hiện bộ phim The Great Mouse Detective.[19]

Lasseter và các đồng nghiệp không ý thức được rằng họ đã làm phật ý một số cấp trên với sự hăng hái trong việc biến dự án thành hiện thực. Trong một buổi họp với 2 cấp trên, quản lý họa sĩ hoạt hình Ed Hansen và người đứng đầu xưởng phim hoạt hình Disney Ron W. Miller, kế hoạch đã bị hủy bỏ, do không cho thấy được lợi nhuận có thể thu được từ việc kết hợp hoạt hình truyền thống và máy tính.[20] Ít phút sau cuộc họp, Lasseter được gọi đến văn phòng của Hansen. Theo Lasseter nhớ lại, Hansen nói với ông, "John, dự án của anh hiện giờ đã hoàn thành, vậy nên công việc của anh tại Disney đến đây là kết thúc."[21]:40 Wilhite, lúc đó là thành viên nhóm sản xuất phim người đóng của Disney và do vậy không có vai trò gì đối với xưởng phim hoạt hình, đã sắp xếp để có thể giữ Lasseter ở lại tạm thời cho đến khi dự án thử nghiệm Wild Things kết thúc vào tháng 1 năm 1984, nhưng ông cũng ý thức được rằng sẽ không còn công việc nào dành cho Lasseter ở Disney Animation nữa.[21]:40[22] The Brave Little Toaster sau này trở thành bộ phim hoạt hình 2D The Brave Little Toaster phát hành năm 1987, được đạo diễn bởi một người bạn của Lasseter, Jerry Rees và đồng sản xuất bởi Wilhite (người vào thời điểm đó đã rời đi để thành lập hãng phim Hyperion Pictures). Một số thành viên của Pixar cũng tham gia vào bộ phim bên cạnh Lasseter.

Lucasfilm/Pixar

John Lasseter cùng George Lucas tại Liên hoan phim quốc tế Venice lần thứ 66 năm 2009.

Trong quá trình thành lập nhóm để thực hiện bộ phim The Brave Little Toaster, Lasseter có liên hệ với một số người trong ngành máy tính, trong số đó có Alvy Ray SmithEd Catmull làm việc tại nhóm đồ họa máy tính của Lucasfilm. Sau khi bị sa thải và cảm thấy khó chịu khi biết công việc của mình tại Disney sẽ nhanh chóng chấm dứt,[21]:40 Lasseter tới tham dự một hội thảo về đồ họa máy tính vào tháng 11 năm 1983 tại Long Beach, California, nơi ông gặp lại Catmull.[23]:45 Catmull hỏi về The Brave Little Toaster và được Lasseter giải thích rằng nó đã bị xếp xó.[8][21]:40 Từ kinh nghiệm của mình tại Lucasfilm, Catmull cho rằng Lasseter chỉ là đang ở trong giai đoạn tạm nghỉ, do theo truyền thống các xưởng phim Hollywood thường cho nhân viên nghỉ việc khi họ không có đủ dự án phim để sản xuất.[23]:45 Vẫn đang suy sụp do bị đuổi khỏi công ty duy nhất mà mình muốn làm việc, Lasseter không đủ dũng cảm để nói với Catmull rằng mình đã bị sa thải.[8][23]:45

Catmull, sau đó cùng ngày, gọi điện cho Smith và nhắc đến việc Lasseter không còn làm việc cho Disney nữa. Smith nói với Catmull hãy tắt điện thoại và thuê Lasseter ngay lập tức.[23]:45 Trước khi hết ngày, Lasseter đã ký thỏa thuận làm việc tự do cùng với Catmull và đồng nghiệp của ông trong một dự án mà sau này trở thành phim hoạt hình ngắn đầu tiên thực hiện bằng máy tính của họ: The Adventures of André and Wally B. Do Catmull không được phép thuê họa sĩ hoạt hình, Lasseter đã được giao chức vụ "Người thiết kế giao diện";[24] "Không ai biết chức vụ đó là gì nhưng họ cũng không tra hỏi nó trong các buổi họp bàn chi phí".[12] Mùa xuân năm 1984, Lasseter dành rất nhiều thời gian làm việc cùng với Catmull và đội ngũ các nhà nghiên cứu về đồ họa máy tính tại Lucasfilm ở San Francisco.[21]:40–41 Lasseter học cách sử dụng các phần mềm của họ, và ngược lại, ông dạy các nhà khoa học máy tính về cách làm phim, hoạt hình và nghệ thuật.[21]:40–41 Bộ phim ngắn cuối cùng lại mang tính đột phá nhiều hơn những thứ ban đầu Lasseter đã mường tượng trước khi ông đến Lucasfilm. Ý tưởng ban đầu của ông là chỉ sử dụng máy tính để tạo ra phần khung cảnh, nhưng trong sản phẩm cuối cùng, mọi thứ đều là đồ họa máy tính, bao gồm cả các nhân vật.

Sau nghĩ đoạn phim ngắn được trình diễn tại SIGGRAPH vào mùa hè năm 1984, Lasseter trở lại Los Angeles với hy vọng sẽ đạo diễn bộ phim The Brave Little Toaster tại Hyperion Pictures.[21]:45 Ông nhanh chóng biết rằng việc kêu gọi đầu tư đã thất bại và gọi điện thông báo tin xấu này cho Catmull.[21]:45 Catmull sau đó gọi lại với một đề nghị công việc, Lasseter trở thành nhân viên chính thức của Lucasfilm vào tháng 10 năm 1984 và chuyển tới Bay Area.[21]:45 Sự hợp tác giữa Lasseter và Catmull, kéo dài trong hơn 30 năm, đã dẫn đến thành quả là bộ phim hoạt hình dài làm bằng máy tính đầu tiên Toy Story (1995).

Do gặp vấn đề về tài chính khi li dị, George Lucas buộc phải bán đi bộ phận đồ họa của Lucasfilm, lúc này đã đổi tên thành nhóm đồ họa Pixar. Bộ phần này được tách ra và trở thành công ty riêng với Steve Jobs là cổ đông lớn nhất vào năm 1986. Trong vòng 10 năm sau đó, Pixar phát triển từ một công ty máy tính thành một xưởng phim hoạt hình. Lasseter quản lý tất cả các bộ phim của Pixar với tư cách giám đốc sản xuất. Bên cạnh Toy Story, ông còn đạo diễn A Bug's Life (1998), Toy Story 2 (1999), Cars (2006), and Cars 2 (2011). Hiện nay ông đang thực hiện Toy Story 4, dự kiến ra mắt vào năm 2018.

Trở lại Disney

Disney thông báo việc mua lại Pixar vào ngày 24 tháng 1 năm 2006 và Lasseter trở thành giám đốc sáng tạo cho cả Pixar và Walt Disney Feature Animation, nơi mà sau này ông đổi tên thành Walt Disney Animation Studios.[12] Vào ngày 25 tháng 1 năm 2006, Lasseter được chào đón bởi các đồng nghiệp mới tại Burbank với một tràng pháo tay, cùng hi vọng rằng ông có thể cứu được xưởng phim đã sa thải ông 22 năm trước.[23]:253–254 Lasseter đồng thời cũng trở thành cố vấn sáng tạo cho Walt Disney Imagineering, nơi ông giúp thiết kế các địa điểm tham quan cho các công viên giải trí của Disney. Từ 2007, ông giám sát tất cả các dự án phim của Walt Disney Animation Studios với vai trò giám đốc sản xuất. Ông báo cáo trực tiếp cho chủ tịch và giám đốc điều hành của Disney Robert Iger mà không cần thông qua các quản lý cấp cao tại xưởng phim Disney và các công viên giải trí.

Tháng 12 năm 2006, Lasseter thông báo rằng Disney Animation sẽ bắt đầu sản xuất các phim hoạt hình ngắn được chiếu rạp thêm một lần nữa. Lasseter nói ông nhìn thấy đây là một cách hữu dụng để đào tạo và phát hiện các tài năng mới trong công ty cũng như thử nghiệm cho các công nghệ và ý tưởng mới. Các đoạn phim ngắn sẽ được làm dưới dạng truyền thống, đồ họa máy tính hoặc sự kết hợp của cả hai thể loại này..[25]

Tháng 6 năm 2007, Catmull và Lasseter được trao quyền tại DisneyToon Studios, một chi nhánh của Walt Disney Animation Studios có trụ sở riêng tại Glendale. Từ thời điểm đó, với vai trò là chủ tịch và giám đốc sáng tạo, họ cùng lúc điều hành 3 xưởng phim riêng biệt cho Disney là Pixar, Disney Animation và DisneyToon. Trong khi Disney Animation và DisneyToon nằm Los Angeles, Pixar lại nằm ở San Francisco cách đó 563 ki-lô-mét, nơi mà Catmull và Lasseter đang sống. Do không thể cùng lúc xuất hiện ở cả ba xưởng phim, họ chỉ định một ban lãnh đạo cho mỗi xưởng phim để quản lý các vấn đề hàng ngày, và làm việc ít nhất 2 ngày mỗi tuần (thường là các ngày thứ ba và thứ tư) ở Los Angeles.[26]

Lasseter là bạn thân và là một người hâm mộ nhà làm phim hoạt hình người Nhật Bản Hayao Miyazaki, người mà ông đã gặp khi TMS Entertainment gửi một đoàn các họa sĩ hoạt hình tới xưởng phim Disney vào năm 1981 và trình chiếu một trích đoạn từ phim hoạt hình dài đầu tiên của Miyazaki, The Castle of Cagliostro (1979).[27] Lasseter say mê nó tới mức vào năm 1985 ông đã năn nỉ được chiếu đoạn phim này cùng các đoạn phim khác của Miyazaki sau khi ăn tối với một người phụ nữ mà ông vừa gặp lần đầu (người mà sau này đã trở thành vợ ông).[27] Ông tới thăm Miyazaki trong chuyến đi đầu tiên của ông tới Nhật Bản vào năm 1987, và nhìn thấy các bức vẽ cho Hàng xóm của tôi là Totoro (1988).[27] Sau khi Lasseter trở thành một đạo diễn và nhà sản xuất phim thành công ở Pixar, ông đã làm giám đốc sản xuất cho nhiều phim của Miyazaki ra mắt tại Mỹ, cũng như giám sát việc dịch và lồng tiếng Anh cho nhạc phim.[27] Nhân vật Totoro từ phim Hàng xóm của tôi là Totoro đã xuất hiện như một đồ chơi trong Toy Story 3.

Công việc khác

John Lasseter cùng vợ Nancy Lasseter tại lễ trao giải Annie Awards năm 2006.

Lasseter đã vẽ phiên bản được biết đến nhiều nhất của BSD Daemon, một linh vật cho hệ điều hành BSD Unix.[28]

Lasseter sở hữu "Marie E.", một đầu máy hơi nước loại 0-4-0T sản xuất bởi H.K. Porter, từng thuộc sở hữu của Ollie Johnston, một trong những họa sĩ hoạt hình kỳ cựu của Disney. Năm 2005, Lasseter được phép đưa Marie E. đến Disneyland như một phần trong buổi lễ tôn vinh Johnston. Johnston đã lái chiếc đầu máy đi quanh tuyến đường sắt trong Disneyland 3 lần. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một đầu máy hơi nước từ bên ngoài được cho phép chạy trên bất kỳ tuyến sắt nào trong công viên Disney.[29]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: John_Lasseter http://www.abcmedianet.com/web/showpage/showpage.a... http://www.awn.com/mag/issue3.8/3.8pages/3.8lyonsl... http://blog.bcdb.com/adds-animated-short-7714/ http://www.businessweek.com/investor/content/mar20... http://money.cnn.com/2006/05/15/magazines/fortune/... http://fortune.com/2014/12/31/pixar-head-ed-catmul... http://www.ft.com/intl/cms/s/0/d65cc760-e35a-11dd-... http://www.harrymccracken.com/luxo.htm http://www.hollywoodreporter.com/news/academy-cher... http://www.hollywoodreporter.com/news/disney-picks...